Cuộc khủng hoảng của thế kỷ III (235-284) Lịch_sử_Đế_quốc_La_Mã

"Cuộc khủng hoảng của thế kỷ III" là cái tên để chỉ sự vỡ vụn và gần như sụp đổ của Đế chế La Mã từ năm 235 đến năm 284. Nó cũng được gọi là "sự vô chính phủ do quân đội".

Sau khi Augustus kết thúc nội chiến (thế kỷ thứ I TCN), Đế chế La Mã đã trải qua một thời đại hòa bình, ít bị ngoại xâm và kinh tế phồn thịnh (Pax Romana). Tuy nhiên, tới thế kỷ III thì Đế chế phải trải qua những cuộc khủng hoảng chính trị, quân sự, kinh tế và bắt đầu suy sụp. Lúc nào cũng có những cuộc xâm lăng của man tộc, nội chiến và lạm phát.

Một phần vấn đề này có gốc rễ từ việc Augustus không định ra những luật lệ cụ thể để xác định người kế vị. Từ thế kỷ I và II, vấn đề kế vị cũng đã gây ra những cuộc nội chiến ngắn, nhưng tới thế kỷ III thì nội chiến xảy ra liên miên khi mà chẳng kẻ giành ngôi nào nhanh chóng trấn áp được đối thủ hoặc ở ngôi được lâu. Trong khoảng thời gian này có không dưới 25 vị hoàng đế đã cai trị La Mã, và trừ ra 2 người thì tất cả họ đều bị ám sát hoặc tử trận trên chiến trường. Các công dân cũng không còn dự phần nhiều vào việc quản lý ở địa phương như trước. Chuyện này buộc hoàng đế phải can dự vào và từ từ nâng cao vai trò trách nhiệm của chính phủ.

Thêm vào nữa, kiểu tập trung quân ở biên giới của quân đội La Mã không thể chống lại được những cuộc xâm lăng một khi kẻ địch đã lọt qua. Ở phía đông, đế chế Sassanid tấn công La Mã quyết liệt hơn nhiều so với đế chế trước nó là Parthia.[42] Vào năm 253, hoàng đế Sassanid là Shapur I tiến quân sâu vào lãnh thổ La Mã, đánh bại quân La Mã trong trận Barbalissos[43] và chinh phục Antioch.[44] Tiếp đó, vào năm 260, trong trận Edessa, lại một lần nữa quân La Mã bại trận trước Sassanid[45] và hoàng đế La Mã lúc đó là Valerian bị bắt giữ.[44]

Cuộc khủng hoảng kết thúc nhờ vào Hoàng đế Diocletian. Bằng cả tài năng lẫn vận may, ông đã giải quyết được nhiều vấn đề cấp bách. Thế nhưng, vấn đề cốt lõi của La Mã vẫn còn đó và cuối cùng đã gây nên sự tận diệt của đế chế ở phía Tây.